Chuyển đổi số đã trở thành từ khóa luôn làm nóng các diễn đàn kinh tế, xã hội. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số của xu thế toàn cầu. Vai trò của chuyển đổi số trong quá trình phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch COVID-19? những kết quả đạt được và giải pháp cho chặng đường dài của công cuộc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào?… Để làm rõ những nội dung trên, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

MC Phương Thảo và các khách mời tham gia chương trình Tọa đàm trực tuyến

MC Phương Thảo: Thưa quý vị và các bạn! chúng ta đang sống trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó chuyển đổi số đã trở thành từ khoá luôn làm nóng các diễn đàn kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đã tận dụng thời cơ trước những vận hội mới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số của xu thế toàn cầu. Tác động của đại dịch COVID-19 một lần nữa khẳng định vài trò của chuyển đổi số trong quá trình phục hồi và tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa sau đại dịch. Thực tế những kết quả đạt được, giải pháp cho chặng đường dài của công cuộc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là vấn đề được bàn luận trong Chương trình Toạ đàm trực tuyến hôm nay.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia chương trình Toạ đàm trực tuyến: Ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên; ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên; ông Đào Duy Thái, Phó Giám đốc Viettel Thái Nguyên.

Cảm ơn các vị khách mời đã tham gia Chương trình.

Thưa quý vị! Để hiểu rõ hơn về nỗ lực thực hiện Chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, mời quý vị cùng chúng tôi theo dõi 1 Clip ngắn ngay sau đây.

 

 

MC Phương Thảo: Qua những hình ảnh vừa rồi, quý vị thấy rõ chuyển đổi số đã thật sự trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và nền kinh tế nói chung. Câu hỏi đầu tiên xin được giành cho ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên: Đại diện cho Hiệp hội, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Cường: Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp thành công; giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tiết giảm chi phí; nâng cao năng lực quản trị, phát triển ổn định, bền vững; tăng năng lực cạnh tranh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tốc độ tăng trưởng. Đó là tiêu chí cũng như định hướng mà Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên đưa ra cho các doanh nghiệp.

MC Phương Thảo: Ông có thể phân tích cụ thể những khó khăn được không ạ?

Ông Nguyễn Văn Cường: Chuyển đổi số không chỉ diễn ra trong quá trình một sớm một chiều, nên gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai lựa chọn áp dụng các nền tảng chuyển đổi số. Lý do chính là do chưa có nhận thức đầy đủ, chưa có sự gắn kết các doanh nghiệp với nhau, thiếu nhân sự kỹ thuật để tiếp cận cũng như vận hành nền tảng số.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Tô Dũng Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đối số giai đoạn 2022-2030 giữa tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn VNPT

MC Phương Thảo: Với vai trò quan trọng như vậy, cùng với những chính sách, chương trình lớn của tỉnh về Chuyển đổi số, câu hỏi tiếp theo xin được giành cho ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Thưa ông, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai những hỗ trợ cụ thể như thế nào với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) trong nỗ lực thực hiện Chuyển đổi số thưa ông?

Ông Phạm Quang Hiếu:

Ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên

Tại Nghị quyết số 10 của BCH Trung ương Đảng Khoá 12, đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Sau đó có Nghị quyết số 29 của Đại hội Đảng khoá XIII nhấn mạnh doanh nghiệp trong nước bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân là động lực chính, chủ chốt trong sự phát triển kinh tế đất nước. Như vậy, chúng ta thấy sự chuyển biến về nhận thức, cũng như vai trò quan trọng của doanh nghiệp nói chung và DNVVN nói riêng.

Thứ hai, nước ta có hơn 97-98% DNVVN, DNVVN chiếm hơn 60%. Tại Thái

Nguyên tỷ trọng DNVVN chiếm tỷ trọng cao hơn, chưa kể số lượng lao động của DNVVN chiếm hơn 60%, ở Thái Nguyên chiếm hơn 50%. Qua đó, chúng ta thấy lực lượng quan trọng, đối tượng sản xuất quan trọng vì thế doanh nghiệp nói chung và DNVVN nói riêng là đối tượng luôn được quan tâm.

Sở Thông tin và Truyền thông có nhận thức là ngoài doanh nghiệp nói chung, DNVVN nói riêng, chúng ta còn có hơn 600 hợp tác xã, có số lượng người lao động chiếm hơn 42.500. Như vậy DNVVN, hợp tác xã có nhiều nét giống nhau và cần có những chính sách.

Vừa qua, tỉnh Thái Nguyên có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, cụ thể: Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 23/3/2021 của HĐND tỉnh thông qua Đề án hỗ trợ DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.Quyết định số 2704/QĐ-UBND ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Hỗ trợ DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 10/5/2022 của UBND tỉnh triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ CĐS doanh nghiệp (DBI) và hỗ trợ doanh nghiệp CĐS trên địa bàn tỉnh TN.Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 07/10/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh TN giai đoạn 2021-2022.

MC Phương Thảo: Những giải pháp về phía cơ quan quản lý nhà nước đã được đưa ra. Vậy còn với một đơn vị cung cấp rất nhiều giải pháp về số thì Viettel đã đồng hành cùng cộng đồng DNNVV như thế nào trong nỗ lực thực hiện Chuyển đổi số, thưa ông Đào Duy Thái?

Ông Đào Duy Thái, Phó Giám đốc Viettel Thái Nguyên

Ông Đào Duy Thái: Đối với Viettel, chúng tôi là một Tập đoàn Công nghệ thông tin và viễn thông lớn nhất Việt Nam thì chúng tôi cũng không đứng ngoài công cuộc Chuyển đổi số của Quốc gia cũng như của các bộ, ban, ngành. Đối với Thái Nguyên thì chúng tôi cũng rất tích cực tham gia vào công cuộc Chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên. Đối với lĩnh vực doanh nghiệp cũng như DNNVV chúng tôi không tham gia trực tiếp nhưng đã cũng đã hỗ trợ các nền tảng phục vụ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số trong đó có các DNNVV. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sử dụng nền tảng của chúng tôi để các doanh nghiệp tùy vào tình hình cụ thể của các doanh nghiệp họ để đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp mình trong chuyển đổi số. Đối với các DNNVV thì phạm vi quy mô hoạt động rất là rộng, nhiều lĩnh vực, do vậy chúng tôi không thể chi tiết từng lĩnh vực. Tuy nhiên đối với các đơn vị chuyển đổi số của địa phương, các đơn vị cung cấp ứng dụng họ có thể chi tiết định hướng cho từng lĩnh vực của các doanh nghiệp để phục vụ tốt cho các doanh nghiệp chuyển đổi số.

Các đại biểu đang quét mã truy suất nguồn gốc sản phẩm trà của Hợp tác xã Hương Vân Trà (TP. Thái Nguyên)

MC Phương Thảo: Rõ ràng là chúng ta đã có rất nhiều giải pháp số và nền tảng số giành cho DNNVV. Vậy thưa ông Nguyễn Văn Cường, cộng đồng DNNVV tỉnh Thái Nguyên đã tiếp cận được với những giải pháp số này như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Cường:

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp nói chung và Hiệp hội DNNVV nói riêng về vấn đề chuyển đổi số. Ngày 9/12/2022, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2023”, trong đó có nét mới mà các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đó là không tặng quà trực tiếp mà áp dụng chuyển đổi số trong tặng quà các hộ nghèo; mở các tài khoản cho các hộ nghèo để các doanh nghiệp ủng hộ sẽ chuyển tiền vào đó. Đấy cũng chính là chuyển đổi số, việc này cũng chưa có tiền lệ. Chúng tôi có ý kiến về một số khó khăn trong tiếp cận công nghệ nhưng khó cũng phải làm. Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng như đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Theo tôi biết, đến thời điểm này đã triển khai được hơn 90%.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong những tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số, sẽ làm điểm trong cả nước. Tỉnh Thái Nguyên đang chọn TP. Phổ Yên là địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số. Với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Phổ Yên, tôi đã được lắng nghe sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Qua đó, tôi đánh giá những thuận lợi trong quá trình triển khai hoạt động chuyển đổi số ở địa phương như: Hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, như nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng phần mềm vào quản lý doanh nghiệp. Chúng tôi có nhiều đơn vị tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Phổ Yên nằm trong Hội Doanh nghiệp TP. Phổ Yên, đã có nhiều sự phối hợp trong hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, đúng xu thế 4.0.

Vừa rồi chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo TP. Phổ Yên để sắp tới triển khai, tổ chức hội nghị về chuyển đổi số nhằm tuyên truyền rộng rãi về chuyển đổi số; tiến tới lan tỏa thông điệp rộng lớn trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi rất mong được sự phối hợp, quan tâm chỉ đạo của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh về vấn đề này.

 Công ty CP Tập đoàn Mapharvet Đức Hạnh (TP. Phổ Yên) là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh dược phẩm thú y

MC Phương Thảo: Thưa ông Phạm Quang Hiếu, như phần đầu ông đã chia sẻ về Chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số (SMEdx) do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai, với mục tiêu rất rõ ràng là năm 2022 sẽ có khoảng 30.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số. Mục tiêu này đã được thực hiện ra sao trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thưa ông?

Ông Phạm Quang Hiếu: Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông có tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, trong rất nhiều kết quả có nhắc đến kết quả, kế hoạch đặt ra năm 2022 sẽ có khoảng 30.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số nhưng cuối năm 2022 đã đạt hơn 70 nghìn tăng hơn 140%. Tại Thái Nguyên, hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp không giống như hoạt động chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, hoạt động chuyển đổi số cũng có thuận lợi và khó khăn nhất định.

Từ sự thống nhất về chủ trương, Thái Nguyên có Nghị quyết số 01 về Chuyển đổi số, có sự tham gia tích cực của các hiệp hội doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp, việc chuyển đổi số doanh nghiệp tự thân. Ngoài ra, còn có những khó khăn, rào cản như: Các ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn hạn chế; vấn đề tự thân của DNNVV, hiểu biết về công nghệ, nhân lực, kinh phí; trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên doanh nghiệp công nghệ số rất ít. Sở Thông tin và Truyền thông có những cách làm mới: Chúng tôi lựa chọn doanh nghiệp công nghệ số có uy tín (doanh nghiệp lớn, có nền tảng được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận và công bố, có sự cam kết muốn triển khai trên địa bàn tỉnh); phối hợp với các doanh nghiệp đó và hỗ trợ họ trong việc phát triển kinh doanh trên địa bàn tỉnh, họ được tiếp cận khách hàng trên địa bàn tỉnh, còn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các dịch vụ uy tín và được các doanh nghiệp uy tín hỗ trợ. Trong năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và có kết quả tích cực. Cụ thể: Trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số thực hiện chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Công ty MISA hỗ trợ trên 3.800 doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng dịch vụ số của họ trong năm 2022 (năm 2022 tăng trên 1000 doanh nghiệp ứng dụng); phối hợp với MISA hỗ trợ cho các hộ kinh doanh cá thể sử dụng các dịch vụ tài chính, trong năm 2022 có hơn 140 lượt hộ sử dụng, luỹ kế đến thời điểm này có khoảng gần 700 lượt; đào tạo tập huấn Công ty đã triển khai được 95 khoá, với trên 1500 lượt người trên địa bàn tỉnh đến tham dự.

Ngoài ra, Kế hoạch 177 được triển khai từ năm 2021 đến thời điểm này số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê trên 2 sàn thương mại điện tử là voso và postmart thì trên địa bàn tỉnh có hơn 161 nghìn tài khoản, với 182 nghìn hộ được đào tạo; số lượng sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch trên 1.900 sản phẩm, 100% sản phẩm được đưa lên 2 sàn giao dịch.

Những số liệu trên chưa phản ánh được tất cả nhưng đã hỗ trợ, đưa các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận được những công nghệ mới. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đánh giá và tiếp tục triển khai, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Nhân viên Công ty CP hợp tác đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội Thái Nguyên làm việc chủ yếu trên môi trường số

MC Phương Thảo: Một trong những điểm mới rất đáng quan tâm của SMEdx chính là bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp (viết tắt là DBI). Bộ chỉ số đưa ra 6 trụ cột: Trải nghiệm số cho khách hàng, chiến lược, hạ tầng và công nghệ số, vận hành, chuyển đổi số văn hoá doanh nghiệp, dữ liệu và tài sản thông tin. Doanh nghiệp có thể đối chiếu với các tiêu chí của DBI để xác định tình hình chuyển đổi số hiện tại. Ông đánh giá như thế nào về Bộ chỉ số này?

Ông Nguyễn Văn Cường: Nhờ có bộ chỉ số DBI thì doanh nghiệp không còn gặp khó khăn khi đo lường kết quả chuyển đổi số, từ đó các nhà lãnh đạo có thể căn cứ để xây dựng kế hoạch để tìm ra các giải pháp phù hợp hoàn thiện quá trình trong chuyển đổi số được nhanh hơn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên kết nối với cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh. Bộ chỉ số này là công cụ hữu ích giúp cho các công ty, doanh nghiệp nhận thức đúng đắn hơn tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ đo lường hiệu quả sau một thời gian triển khai chuyển đổi số. Tôi cho rằng, với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã giúp cho các doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua bộ chỉ số này.

MC Phương Thảo: Thưa ông Đào Duy Thái, trong quá trình thiết kế các nền tảng số giành cho doanh nghiệp, Viettel quan tâm đến những yếu tố cụ thể như thế nào? Liệu rằng văn hoá doanh nghiệp có phải là một trong những yếu tố được đưa ra để phân tích trong quá trình xây dựng nền tảng số không thưa ông?

Ông Đào Duy Thái: Viettel có thế mạnh là hạ tầng viễn thông lớn, chúng tôi tập trung xây dựng các nền tảng thế mạnh của mình để hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương cũng như các doanh nghiệp có sự chú trọng trong lĩnh vực riêng để phát triển về chuyển đổi số. Chúng tôi không tập trung vào tập khách hàng riêng lẻ. Đối với tập khách hàng cần có nền tảng công nghệ đủ lớn trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chúng tôi tập trung phát triển có quy mô đối với các ứng dụng mà các doanh nghiệp địa phương không làm được. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số địa phương sử dụng nền tảng cũng như hỗ trợ của các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT để hỗ trợ cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp do địa phương mình quản lý. Nếu như Viettel hay VNPT hỗ trợ chuyển đổi số cho một số doanh nghiệp nhỏ, lẻ tại các địa phương thì sẽ khó có thể phân bổ nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cung cấp những nền tảng có sẵn để cung cấp cho các doanh nghiệp, ví dụ như nền tảng Vỏ sò, Postmart. Hay như về thanh toán điện tử, chỉ những tập đoàn như chúng tôi vừa có hạ tầng viễn thông vừa có nguồn lực kinh tế mới có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đối với ý kiến về văn hóa doanh nghiệp, theo tôi đối với các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, văn hóa doanh nghiệp đã tồn tại từ rất lâu rồi nên tôi nghĩ việc thực hiện chuyển đổi số cũng cần phải căn cứ vào văn hóa doanh nghiệp để đưa vào thực tế và đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền tảng công nghệ hay chuyển đổi số chưa phụ thuộc nhiều vào văn hóa doanh nghiệp vì bản chất doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Công ty TNHH Cường Đại (TP. Phổ Yên) chuyên kinh doanh máy, phụ kiện máy nông nghiệp và mặt hàng sắt thép chính phẩm

MC Phương Thảo: Như vậy là từ đầu chương trình, chúng ta đã được xem, được lắng nghe những chia sẻ và phân tích về thực trạng cũng như những giải pháp về chuyển đổi số ở DNNVV. Thưa ông Phạm Quang Hiếu, kinh tế số được tỉnh Thái Nguyên xác định là 1 trong 3 trụ cột trong Chương trình Chuyển đổi số, vậy Ngành sẽ tiếp tục có những giải pháp như thế nào trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tham gia thực hiện mục tiêu này, thưa ông?

Ông Phạm Quang Hiếu: Cũng phải khẳng định lại, việc chuyển đổi số của chúng ta thống nhất quan điểm triển khai đồng bộ trên cả 3 cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong thời gian tới, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh triển khai tốt những hoạt động này. Thứ nhất, triển khai hiệu quả các chính sách, nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ trong thực hiện chuyển đổi số. Thứ hai, kế thừa một số kết quả triển khai trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong cách làm mới, trong việc huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn, có uy tín để triển khai hoạt động kinh tế số, xã hội số trên địa bàn của tỉnh, hay nói một cách khác xã hội hóa các hoạt động này, như vậy sẽ hiệu quả và phù hợp hơn. Thứ ba, cũng phải nhắc lại thêm chương trình chuyển đổi số của chúng ta hướng tới mục tiêu ké vừa ứng dụng cộng nghệ số, dữ liệu số để phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

MC Phương Thảo: Chúng ta vừa được nghe rất nhiều những giải pháp cũng như chính sách trong việc chung tay cùng cộng đồng DNNVV thực hiện chuyển đổi số. Vậy còn với Hiệp hội DNNVV thì sao thưa ông Nguyễn Văn Cường, Hội sẽ tiếp tục có những giải pháp và phối hợp cụ thể như thế nào để đẩy mạnh hiệu quả việc thực hiện chuyển đổi số trong cộng đồng DNNVV thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Cường: Với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Phổ Yên, hằng tháng, chúng tôi họp với Ban Chấp hành Hội để bám sát chỉ đạo của tỉnh cũng như của thành phố về chuyển đổi số để tuyên truyền cho các doanh nghiệp; tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp phù hợp và sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tập huấn, học tập về chuyển đổi số; tổ chức xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến; hướng dẫn đưa sản phẩm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty KTS Pro, một thành viên của Hiệp hội DNNVV của tỉnh cũng như Hội Doanh nghiệp TP. Phổ Yên.

HTX chè Sơn Dung tận dụng cơ hội chuyển đổi số để quảng bá sản phẩm

MC Phương Thảo: Thưa quý vị, thực hiện Chuyển đổi số trong cộng đồng DNNVV nói riêng và doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên nói chung là nội dung quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Kinh tế số – trụ  cột quan trọng trong chương trình Chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên. Để từ đó hướng đến thực hiện mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã, đang và sẽ được xác định là cơ hội để Thái Nguyên tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển, sớm trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại không chỉ của vùng trung du miền núi phía Bắc mà còn là của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Chương trình Tọa đàm trực tuyến xin được khép lại tại đây. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn 03 vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình; cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Mọi ý kiến góp ý và quan tâm xin mời quý vị gửi thông tin về địa chỉ Email Portal@thainguyen.gov.vn.

Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý vị trong các chương trình sau!


thainguyen.gov.vn