20 năm dựng xây nghề truyền thống

Với mục tiêu phát triển sản phẩm truyền thống để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, HTX chè Tân Hương (Thái Nguyên) đang trở thành tấm gương điển hình trong việc xây dựng, phát triển nghành nghề truyền thống. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Huân chương lao động hạng Ba nhằm ghi nhận và tôn vinh những cống hiến lớn lao của đơn vị này.

SẢN PHẨM TRUYỀN THỐNG

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng chè, bà Đỗ Thị Hiệp – Giám đốc HTX chè Tân Hương luôn mong muốn xây dựng HTX để phát triển nghề chè truyền thống, nhưng phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất và chế biến sạch theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified, để tạo ra được sản phẩm chất lượng tốt nhất, phục vụ người tiêu dùng.

HTX chè Tân Hương thành lập năm 2000 tại xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên. Thời điểm đó, một dự án phi chính phủ của Canada vào Việt Nam và chọn Thái Nguyên là nơi để thực hiện dự án, đồng thời giúp người nông dân khắc phục những khó khăn tồn tại trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Thái Nguyên đã lấy chè của vùng đặc sản chè Tân Cương để triển khai dự án này.

Các hộ dân khi tham gia dự án được tập huấn lí thuyết về nguyên tắc về tổ chức kinh tế cộng đồng, phổ biến những điều lệ của HTX, đồng thời các chuyên gia cũng hướng dẫn quy trình sản xuất và chăm sóc cây chè đạt năng xuất cao nhất.

Chia sẻ với PV, lãnh đạo HTX chè Tân Hương cho biết, ban đầu, đơn vị có 32 thành viên, đều là những hộ nông dân sản xuất chè đang còn khó khăn trong việc sản xuất, chế biến và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Sau khi tham gia họ bắt đầu liên kết, hợp tác để hỗ trợ lẫn nhau, mỗi hộ nhóm có khoảng 5-6 thành viên. Hơn 20 năm hình thành và phát triển của HTX cũng có những lúc thăng lúc trầm. Có những thời điểm lên tới 72 thành viên, nhưng do HTX mới thành lập, chưa có thị trường, đầu ra sản phẩm còn thiếu, trong khi đó những thành viên khi tham gia vào HTX đều với mục đích tìm kiếm thị trường mới.

Khi HTX không đáp ứng được nhu cầu thì họ lại xin ra”, bà Hiệp cho biết, thời điểm hiện tại, HTX vẫn đang duy trì ở số 45 thành viên và phấn đấu HTX sẽ có khoảng 50 thành viên trở lên.

ĐẾN VỊ THẾ THƯƠNG HIỆU

Từ những lá chè tươi được trồng trên đất của vùng đặc sản Tân Hương, HTX đã chế biến ra được 30 sản phẩm, chia thành 3 loại khác nhau, gồm loại chè bình dân, chè cao cấp và loại chè đặc
biệt cao cấp. Sản phẩm của HTX rất đa dạng và phong phú, có thể phục vụ được tất cả các đối tượng khách hàng với những mức giá khác nhau. Đó là thành quả của một quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói với những yêu cầu nghiêm ngặt và khắt khe về chất lượng sản phẩm. Trong đó, loại sản phẩm cao cấp là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, quy trình sản xuất cầu kì, phức tạp, và bản thân những người thực hiện cũng phải có trình độ thu hái, chế biến ngang tầm nghệ nhân. Không những thế, những người này cũng phải có hiểu biết sâu về kĩ thuật truyền thống kết hợp với khoa học công nghệ điêu luyện. Cùng với đó là các công đoạn chế biến để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng tốt nhất. Bà Hiệp cho rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn phải giữ được sự uy tín và đặt sức khỏe của khách hàng lên hàng đầu.

Bởi vậy, trong hơn 20 năm hoạt động, sản phẩm chè Tân Hương luôn được chăm sóc một cách tự nhiên nhất, cùng với tiêu chí 3 không là không hóa chất, không thuốc kích thích, không dùng
thuốc bảo vệ thực vật.

Mặc dù cho đến nay HTX vẫn luôn tận dụng những kinh nghiệm của cha ông để lại, “nhưng trên những vạt đất ấy, chúng tôi luôn muốn có thể cải thiện quy trình chăm sóc, như hạ thấp độ cao
để ánh nắng mặt trời giảm bớt, đồng thời cũng làm giảm xói mòn do mưa và thuận tiện trong thâm canh, chăm sóc”, bà Hiệp trăn trở.

Đồng thời, HTX luôn thay đổi các giống chè cũ năng suất và chất lượng thấp bằng những giống chè có chất lượng cao, có hương thơm, mùi vị đậm đà để vào canh tác, thời gian thu hái của các
giống chè giữa các lứa sẽ ngắn hơn, nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng.

“Là một nghệ nhân chè, chúng tôi luôn chú trọng trong từng khâu sản xuất dù là chi tiết nhỏ nhất. Tuy đã áp dụng các công nghệ hiện đại vào vùng trồng nguyên liệu như hệ thống tưới tự
động, dùng các loại phân bón hữu cơ, sản xuất theo quy chuẩn quốc tế, nhưng khâu thu hái đều hoàn toàn là làm thủ công bởi phải hái chè hái một tôm hai lá, mà cho đến hiện tại chưa có loại
máy móc nào có thể thay thế con người được”, bà Hiệp chia sẻ.

Cũng theo bà, chè Tân Hương sau khi thu hoạch sẽ tiếp tục được đóng gói và được thực hiện tại cơ sở chính của HTX, còn sơ chế ban đầu thì đều ở các hộ thành viên, HTX chỉ tổ chức tinh chế
đóng gói tập trung và thực hiện dưới sự giám sát của thanh tra HTX.
Những thành viên trong HTX tham gia vào ban thanh tra nội bộ

đều được các chuyên gia tập huấn và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Mỗi năm sẽ được tập huấn theo đúng định kỳ để bổ sung kiến thức, áp dụng vào thực hiện theo quy trình khoa
học kĩ thuật và làm đúng bài bản.

Với bề dày kinh nghiệm và sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao, HTX chè Tân Hương đã khẳng định được vị thế của mình bằng các Huy chương vàng tại các kỳ thi chất lượng chè
xanh toàn quốc hàng năm do Hiệp hội chè Việt Nam tổ chức.

Sản phẩm của HTX chè Tân Hương đã có mặt tại 63 tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Canada, Vương quốc Anh…

Đặc biệt, HTX chè Tân Hương luôn luôn nắm bắt được chủ chương và định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên nói chung và của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh nói riêng, từ đó phát triển HTX ngày một lớn mạnh, giải quyết được việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động; góp phần an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Năm 2018, HTX chè Tân Hương vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba, vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã
hội tỉnh Thái Nguyên.