Hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
19/09/2022 02:15
Đồng hành cùng khách hàng, doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các chương trình, quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) như: Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Thống đốc NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã tiết giảm tối đa chi phí, chủ động cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay, thực hiện chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Số liệu lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với kết quả cụ thể: Miễn giảm lãi vay với dư nợ là 3.305 tỷ đồng cho 3.408 khách hàng, số lãi được miễn giảm là 1,4 tỷ đồng; cơ cấu thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ là 9.636 tỷ đồng cho 7.259 khách hàng; doanh số cho vay mới với lãi suất ưu đãi là 126.273 tỷ đồng với 25.844 khách hàng còn dư nợ.
Trên cơ sở bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; thường xuyên rà soát, theo dõi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn, chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn thực hiện rà soát, nắm bắt tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của toàn bộ khách hàng, đặc biệt những doanh nghiệp, lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, khuyến khích các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Đến hết tháng 6/2022 tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 91.351 tỷ đồng, tăng 7,62% so với ngày 31/12/2021, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 79.089 tỷ đồng, tăng 10,62% so với ngày 31/12/2021. Dòng vốn tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đến tháng 6/2022 đạt 23.072 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 29,56% tổng dư nợ cho vay) với 165.922 khách hàng còn dư nợ.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành các Thông tư hướng dẫn và thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (quy mô 7.500 tỷ đồng). Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thống nhất, đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả trong toàn hệ thống, thực hiện cho vay 11 đơn vị sử dụng lao động, hỗ trợ cho gần 600 người lao động với tổng số tiền giải ngân đạt 5 tỷ đồng. Chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp duy trì được sản xuất, hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn.
Qua ý kiến tại Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại Thái Nguyên ngày 27/5/2020, đại diện của các sở, ban, ngành, cùng các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đều đánh giá cao những hỗ trợ và chia sẻ của ngành Ngân hàng, đặc biệt trong việc giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Các giải pháp chủ động và quyết liệt của ngành Ngân hàng đã góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp tại Thái Nguyên vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Để vừa tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, triển khai kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên cơ sở bám sát mục tiêu, định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện chính sách tiền tệ an toàn, hiệu quả, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Hai là, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tập trung nguồn vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn; cho vay xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp.
Ba là, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng trong thực hiện Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Bốn là, phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử; cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Năm là, thực hiện rà soát quy định nội bộ về thủ tục, quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng hỗ trợ, phù hợp với thực tế dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được chính sách; tăng cường công tác tập huấn về công tác triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Sáu là, thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp để chia sẻ, thông tin, tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận xã hội đối với hoạt động ngân hàng./.